Rối loạn tiêu hóa khi mang thai: Cách chữa như thế nào?
Chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai có lẽ đã không còn quá xa lạ với các mẹ bầu. Tưởng rằng đây chỉ là bệnh thông thường nhưng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ bầu và cả thai nhi vì nguồn dinh dưỡng chính vẫn đến từ chế độ ăn uống.
Nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai là hiện tượng hệ tiêu hóa bị rối loạn do một nguyên nhân nào đó, khiến cho quá trình trao đổi chất cũng như hấp thụ dưỡng chất không được diễn ra suôn sẻ. Rối loạn tiêu hóa có một số triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, không muốn ăn, cơ thể mệt mỏi,…
Ở bà bầu, rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân như:
Nội tiết tố thay đổi nhanh: Nồng độ hormone tăng cao và đột ngột trong cơ thể mẹ bầu gây ra một số thay đổi trong cơ thể như tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt,…. và rối loạn tiêu hóa, biểu hiện cụ thể là tiêu chảy hoặc táo bón ở mẹ bầu. Tình trạng này ở mẹ bầu hầu như ai cũng trải qua trong quá trình mang thai và đây không phải tình trạng quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu duy trì hiện tượng này quá lâu sẽ khiến sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tử cung có thay đổi: Khi thai nhi ngày một lớn hơn trong tử cung của mẹ bầu sẽ dẫn đến nhiều thay đổi cũng như chèn ép lên các cơ quan nội tạng quang tử cung, đặc biệt là dạ dày. Tình trạng táo bón xảy ra do tử cung chèn ép có nguy cơ xảy ra cao hơn đối với 3 tháng cuối thai kỳ.
Cơ thể nhạy cảm hơn: Khi lượng nội tiết tố trong cơ thể bị thay đổi nhanh dẫn đến rối loạn, cơ thể mẹ bầu cũng trở nên nhạy cảm hơn hết, hệ tiêu hóa cũng vì vậy mà dễ bị rối loạn hơn. Tình trạng này sẽ khiến cơ thể bị tiêu chảy. Khi nhận thấy điều này, mẹ bầu hãy thử thay đổi chế độ ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu để cơ thể có thời gian thích nghi với những sự thay đổi này.
Một số triệu chứng của rối loạn tiêu hóa và cách khắc phục
Khi nhận thấy những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa sau đây, mẹ bầu có thể thay đổi một chút cách ăn uống, sinh hoạt để cải thiện dần tình trạng thường gặp này:
Buồn nôn
Khi mang thai, mẹ bầu thường có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa khi bị rối loạn tiêu hóa. Bạn cần phân biệt được buồn nôn do rối loạn tiêu hóa hay do ốm nghén để có cách khắc phục phù hợp. Thường thì buồn nôn sẽ gây rối loạn tiêu hóa trong khoảng 3 tháng đầu tiên khi mang thai. Mẹ bầu hãy khắc phục tình trạng này bằng cách chia nhỏ bữa ăn trong ngày, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và tăng lượng rau xanh, trái cây tươi nhé.
Thèm ăn liên tục
Khi mang thai, trái ngược với biểu hiện buồn nôn, nôn mửa chính là tình trạng thèm ăn liên tục, ăn mãi không dừng. Xem qua có thể nhầm tưởng đây là dấu hiệu tốt nhưng thực chất không phải, thèm ăn quá đà là triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Khi thấy tình trạng này, bà bầu hãy tránh các thức ăn có hại cho thai nhi, thường xuyên vận động, tránh ngồi lâu để cơ thể trở nên buồn chán, thèm ăn.
Bạn có thể tham khảo thêm: Mẹ bầu có nên ăn nhiều khi mang thai?
Ợ nóng, ợ hơi
Đây cũng là tình trạng rối loạn tiêu hóa rất hay gặp ở phụ nữ mang thai, một số lời khuyên sau đây có thể giúp ích cho bạn trong việc ngăn ngừa, cải thiện tình trạng này:
Không để bụng đói quá mức;
Ăn không nhiều nhưng nên ăn thường xuyên để bụng không bị đói;
Tránh đồ ăn nhiều gia vị cay nóng hoặc chua có tính axit;
Các thức ăn có mùi như tỏi, hành, hành tây, măng tây,… cũng nên tránh ăn;
Hạn chế các thức uống như rượu, bia, trà đặc hay các thức uống có gas, nước ngọt cũng nên hạn chế.
Mẹ bầu bị chậm tiêu
Trong rối loạn tiêu hóa khi mang thai còn có bao gồm cả tình trạng chậm tiêu, khó tiêu dẫn đến táo bón. Khi bà bầu bị táo bón có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ sau đây để cải thiện phần nào nhé:
Ăn nhiều trái cây và rau củ quả tươi, đặc biệt là rau lá xanh đậm có chứa nhiều chất xơ tự nhiên, hỗ trợ trị chứng táo bón hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc;
Bữa sáng mẹ bầu nên ăn các món dễ tiêu hóa, nhẹ nhàng, không nên có quá nhiều gia vị và tốt nhất nên chọn ăn cháo, bánh mì nguyên cám, yến mạch, sinh tố chuối,…
Uống đầy đủ nước, ít nhất là 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Đối với bà bầu thường xuyên đổ mồ hôi do công việc hoặc khí hậu nóng bức thì nên uống nhiều nước hơn nữa.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên mẹ bầu không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường và hoàn toàn có thể cải thiện được qua chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen hàng ngày.