Băng huyết sau sinh là gì và cách phòng tránh
Băng huyết sau sinh là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy cần làm gì để phòng tránh băng huyết? Hãy cùng Beecare khám phá ngay sau đây.
Băng huyết sau sinh là gì?
Các mẹ bầu thường nghe đến cụm từ băng huyết sau sinh nhưng để hiểu hơn về tình trạng và mức độ nguy hiểm của hiện tượng này, những thông tin sau sẽ giúp ích cho bạn.
Theo các chuyên gia giải đáp về băng huyết sau sinh cho hay, đây là tình trạng máu chảy nhiều hơn 500ml trong trường hợp mẹ bầu sinh thường và hơn 1000ml đối với bà bầu sinh mổ. Lượng máu chảy khi bị băng huyết có thể ồ ạt hoặc chảy từ từ, tùy từng trường hợp cụ thể. Băng huyết sau sinh là hiện tượng vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra bởi những bệnh lý khác có liên quan.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng giải đáp thêm, tuy có cùng lượng máu mất đi nhưng tùy trường hợp, các thai phụ có thể gặp nguy hiểm khác nhau. Băng huyết sau sinh ở những người có thể trạng yếu, thiếu máu hoặc đang có bệnh lý, biến chứng thường nguy hiểm hơn so với những thai phụ khỏe mạnh, có sức khỏe bình thường. Ngoài ra, băng huyết còn được xác định mức độ nguy hiểm dựa vào các chỉ số cụ thể như huyết áp, mạch, huyết sắc tố, hematocrit,...
Băng huyết sau sinh được chia thành 2 loại cụ thể là băng huyết nguyên phát và băng huyết thứ phát, cụ thể như:
Băng huyết nguyên phát: Là trường hợp băng huyết trong thời gian 24 giờ sau khi sinh.
Băng huyết thứ phát: Đây là tình trạng băng huyết diễn ra trong vòng 24 giờ đến 12 tuần sau khi sinh.
Bất cứ trường hợp bị băng huyết sau sinh nào cũng gây nguy hiểm đến sức khỏe của thai phụ, gây mất máu nhiều, tụt huyết áp, cần cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến băng huyết có rất nhiều và thường ít được cảnh báo trước vì trong quá trình sinh nở, bất cứ tình trạng nào cũng có thể xảy ra. Mẹ bầu cần cẩn trọng các nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh như:
Thai phụ lớn hơn 35 tuổi;
Thai phụ có tình trạng thừa cân, béo phì;
Phụ nữ mang thai mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh lý về máu, tim,... có nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn;
Thai phụ từng có tiền sử băng huyết khi sinh;
Một số nguyên nhân khác như: Mang đa thai, thời gian chuẩn bị sinh quá dài, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng nước ối,...
Triệu chứng khi bị băng huyết sau sinh
Để điều trị kịp thời và có các bước xử lý thích hợp, thai phụ cần nhận biết sớm các dấu hiệu băng huyết sau sinh như:
Sản phụ ra máu bất thường trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi sinh;
Chảy máu đột ngột, có thể chảy ồ ạt hoặc chảy từ từ, máu có màu đỏ tươi;
Mạch đập của thai phụ tăng nhanh, tay chân chuyển lạnh, huyết áp tụt đột ngột, da xanh xao và có dấu hiệu đổ mồ hôi, lạnh người,...;
Máu ứ đọng ở tử cung có thể khiến tử cung phình to hơn, mềm nhão và căng tức.
Khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào trong những triệu chứng trên, thai phụ hoặc người nhà cần báo gấp cho bác sĩ có ca trực để có phương án điều trị, sơ cấp cứu kịp thời, tránh mất máu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.
Bạn có thể tham khảo thêm: Mẹ bầu thiếu sắt có nguy hiểm không? Cách bổ sung sắt hiệu quả
Cách phòng ngừa tình trạng băng huyết
Băng huyết sau sinh thường diễn ra đột ngột, ngay khi có các triệu chứng và khó để chẩn đoán trước nên việc phòng tránh băng huyết sau sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Thông thường, khi khám thai định kỳ, bác sĩ luôn yêu cầu thai phụ xét nghiệm máu để nhận biết những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Ngoài ra, một số cách giúp phòng ngừa băng huyết sau cũng giúp mẹ bầu an tâm hơn khi mang thai.
Luôn khám thai định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ;
Khám thai ngay khi xuất hiện những triệu chứng lạ về thai sản như ra máu bất thường, mệt mỏi, tim đập nhanh,...;
Thực hiện kiểm tra sức khỏe bằng các loại siêu âm, xét nghiệm cần thiết để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi;
Luôn tăng cường bổ sung sắt và axit folic định kỳ, đầy đủ qua các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng được bác sĩ tư vấn;
Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, ăn đủ chất và nghỉ ngơi thường xuyên, hạn chế stress, căng thẳng trong quá trình mang bầu.
Để phòng tránh băng huyết sau sinh hiệu quả nhất, bạn cũng nên cân nhắc đến độ tuổi mang thai, chế độ chăm sóc sức khỏe hàng ngày, khám sức khỏe tiền sản và thay đổi những thói quen kém lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày.
Hy vọng những chia sẻ trên đây mà Beecare gửi đến đã giúp bạn biết rõ hơn về băng huyết sau sinh cũng như cách nhận biết, phòng tránh tình trạng nguy hiểm này. Ngay khi nhận thấy dấu hiệu sức khỏe bất thường, hãy đến bệnh viện thăm khám sớm nhất để được điều trị, xử lý kịp thời.