Cần lưu ý gì khi chăm sóc vết mỗ sau sinh
Sinh con bằng phương pháp mổ hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến. Nó có thể giảm thiểu được nhiều biến chứng hậu sản cũng như chủ động hơn trong quá trình đón em bé chào đời để cả mẹ và con đều được khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc chăm sóc vết mổ sau sinh cũng rất quan trọng.
Hãy cũng Beecare tìm hiểu về cách thức chăm sóc vết mổ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và giúp vết thương nhanh liền sẹo nhé
Tại sao nên chọn phương pháp sinh mổ
Hiện nay, có rất nhiều các bà mẹ chủ động lựa chọn phương pháp mổ để sinh con. Việc này sẽ chủ động cho cả sản phụ và các bác sỹ về thời gian và sức khỏe của mẹ và bé. Thời gian tiến hành mổ lấy thai cũng nhanh hơn nên giảm thiểu được 1 số biến chứng xảy ra trong quá trình vượt cạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thai phụ được các bác sỹ chỉ định mổ lấy thai, bao gồm:
Mẹ mang đa thai
Nhau thai bất thường
Kích thước của thai nhi quá lớn
Mẹ bị mắc các bệnh: tiểu đường, huyết áp cao
Mang thai ngôi ngược
Chuyển dạ khó, cổ tử cung không mở
- Tim thai bất thường
Một số hiện tượng và biến chứng xảy ra sau khi sinh mổ
Sinh mổ là một trong những cuộc phẫu thuật không quá phức tạp nhưng vẫn có ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người mẹ. Sau khi sinh, các mẹ thường sẽ có những hiện tượng như sau:
- Xuất hiện những cơn đau quanh vết mổ
- Khó khăn trong việc di chuyển
- Mệt mỏi, táo bón
Một số ít các trường hợp sẽ xảy ra hiện tượng
- Mất máu
- Nhiễm trùng vết mổ
- Phản ứng với thuốc gây tê
- Xuất hiện các cục máu đông
- Đau bụng dữ dội
- Sốt cao trên 38 độ
- Âm đạo có dịch, mùi lạ
- Vết mổ có dịch, mủ
Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường kể trên, sản phụ cần gặp bác sỹ để được thăm khám, tránh trường hợp để lâu bị nhiễm trùng, bục vết mổ hoặc hoại tử bên trong.
Các mẹ cần làm gì để chăm sóc vết thương mổ sau sinh
Vệ sinh vết mổ
Ngay từ những ngày đầu sau sinh, các mẹ sẽ được điều dưỡng, các nhân viên y tế tại bệnh viện trực tiếp chăm sóc vết mổ để tránh nhiễm trùng gây ra biến chứng. Sản phụ nên giữ cho băng gạc vết mổ luôn khô ráo, tránh nước và không tự ý thay băng gạc khi vết thương chưa lành.
Trong vòng 2-3 ngày sau mổ, nếu vết mổ đã khô, không chảy máu, mủ hay sưng đỏ thì vết mổ đó đang trong quá trình hồi phục tốt, không cần băng lại nữa. Lúc này, các mẹ nên để vết mổ được thông thoáng, tránh băng bịt để thời gian lành lâu hơn. Ngoài ra, nếu vệ sinh cá nhân thì cần dùng băng gạc để thấm khô vết mổ nhẹ nhàng, sử dụng nước sạch để tránh bị nhiễm trùng
Việc vệ sinh cẩn thận các vết mổ sẽ quyết định phần lớn thời gian liền sẹo. Vì vậy, đây là lưu ý đầu tiên và đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc vết mổ sau sinh
Các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày
Sau khi sinh khoảng 1 ngày, sản phụ sẽ được rút ống thông tiểu để tự chủ động đi vệ sinh. Lúc này, các bác sỹ cũng khuyến khích bệnh nhân di chuyển đi lại nhẹ nhàng để lưu thông tuần hoàn máu và tránh trường hợp bị dính ruột. 3 ngày sau mổ, các mẹ sẽ được yêu cầu vận động để có thể trở về sinh hoạt như bình thường
Từ 4-6 tuần sau sinh, sản phụ đã có thể tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp co hồi tử cung sau sinh.
Các mẹ sau sinh nên dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ càng nhiều càng tốt. Ngủ đủ và sâu giấc sẽ giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, giảm stress hơn.
Khi tắm hoặc vệ sinh cá nhân, các mẹ nên nhớ thực hiện nhanh chóng, tối đa 10 phút. Vì lúc này, cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục, còn rất yếu, việc tắm lâu sẽ dễ làm cho mẹ bị cảm lạnh. Đặc biệt, phải tắm bằng nước ấm và phòng kín gió. Vết mổ nên được vệ sinh sạch sẽ và lau khô.
Nằm nghiêng và kê gối sau lưng sẽ giúp các mẹ dễ chịu hơn. Việc nằm ngửa sẽ kích thích tử cung co thắt gây nên một số các cơn đau bụng cho sản phụ
Chế độ ăn uống
Ngay ngày đầu sau khi thực hiện phẫu thuật sinh mổ, các mẹ nên uống nhiều nước, ăn cháo loãng đến khi có thể tự xì hơi được mới nên bổ sung các thực phẩm rắn hơn. Ngoài ra, việc uống nhiều nước cũng giúp các mẹ nhanh về sữa, có đủ sữa cho em bé bú.
Sau khi đã đại, tiểu tiện bình thường, chế độ dinh dưỡng của các mẹ cần phải đặc biệt lưu ý. Bổ sung đủ các loại vitamin cần thiết vừa để phục hồi cơ thể và cũng là để tăng cường dưỡng chất cho sữa của bé.
+ Vitamin K có tác dụng cầm máu trong giai đoạn đầu
+ Bổ sung sắt để tăng cường máu sau sinh
+ Bổ sung kẽm, canxi để rút ngắn thời gian lành vết thương
+ Ăn nhiều rau, củ quả, các loại trái cây để tránh táo bón
+ Kiêng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích
+ Kiêng một số thực phẩm: rau muống, đồ nếp, thịt gà, hải sản,… để tránh trường hợp sẹo lồi, ngứa, mẩn đỏ vết sẹo
Sử dụng một số loại thuốc, kem trị sẹo
Hiện nay, để hạn chế tối đa vết sẹo sau mổ, các bác sỹ thường kê thêm một số loại thuốc bôi ngoài da hoặc kem trị sẹo cho các sản phụ. Sẽ tùy thuộc vào tình trạng vết mổ mà các bạn được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, kem có liều lượng và cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần có sự chỉ định của bác sỹ và lưu ý một số vấn đề sau
+ Vệ sinh tay và vết mổ sạch sẽ trước khi thoa kem. Hoặc các bạn có thể sử dụng tăm bông để đảm bảo vệ sinh
+ Nếu xuất hiện tình trạng ngứa rát cần ngưng sử dụng và hỏi lại ý kiến của bác sỹ
Việc lựa chọn phương pháp sinh mổ có thể mang lại nhiều lợi ích và sự chủ động cho bệnh nhân và các bác sỹ, tuy nhiên, đây không phải là một cuộc tiểu phẫu thông thường. Chính vì vậy, những lưu ý và các bước để chăm sóc vết mổ sau sinh đặc biệt các mẹ nên chú ý. Hơn nữa, khi có bất kỳ bất thường nào, sản phụ cần đến ngay bệnh viện hoặc các trung tâm, phòng khám sản phụ khoa để được thăm khám, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mình