Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy cần xử lý như thế nào cho đúng cách
Tiêu chảy là một trong những bệnh lý rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh tuy thường gặp nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê, bệnh tiêu chảy cấp là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ nhỏ.
Hiện tượng tiêu chảy ở bé
Tiêu chảy cấp là hiện tượng đi ngoài, phân lỏng, tần suất từ 3 lần/ ngày trở lên. Kèm theo việc đi ngoài, bé sẽ có các biểu hiện như mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, sốt, nôn, đau bụng,...
Có 3 loại tiêu chảy chính ở trẻ nhỏ thường gặp:
Tiêu chảy cấp tính, thời gian kéo dài từ vài ngày đến một tuần;
Tiêu chảy bán cấp, thời gian kéo dài khoảng 03 tuần;
Tiêu chảy mạn tính, thời gian kéo dài 04 tuần trở lên.
Tiêu chảy gây ra hiện tượng mất nước, nếu kéo dài đến mức mãn tính, trẻ có thể gặp các vấn đề về rối loạn hấp thu, dẫn đến suy dinh dưỡng, suy kiệt.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy trẻ sơ sinh
Có rất nhiều các nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:
Trẻ ăn dặm một số loại thực phẩm không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ
Do vi khuẩn Rota
Suy giảm miễn dịch do HIV hoặc sau khi bị sởi
Nhiễm khuẩn do ăn uống kém vệ sinh, không rửa tay khi chế biến thực phẩm, không rửa tay bằng xà phòng sau khi dọn phân, ăn dặm không đúng cách
Dấu hiệu bé bị tiêu chảy trẻ sơ sinh
Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, bú mẹ hoàn toàn hoặc sử dụng sữa công thức, khi đi ngoài bình thường phân sẽ có màu vàng, nâu hoặc xanh, chất phân sệt, lẫn hoa cà hoa cải
Đối với trẻ dưới 6 tháng, bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ có tần suất đi ngoài nhiều hơn so với trẻ bú sữa công thức. Tần suất đi ngoài của các bé ở độ tuổi này khoảng 3-5 lần/ngày. Còn đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, trung bình 1 ngày các bé sẽ đi ngoài từ 1-2 lần
Khi bị tiêu chảy, phân của bé sẽ có nhiều nước hơn bình thường, có mùi hôi, tanh. Ngoài ra, trẻ sẽ có biểu hiện khác như quấy khóc, đau bụng, nôn trớ, sốt
Tần suất đi ngoài của các bé khi nhiễm bệnh thông thường sẽ gấp đôi so với bình thường đối với trẻ dưới 1 tuổi. Còn với trẻ trên 1 tuổi, trẻ bị tiêu chảy sẽ đi ngoài trên 3 lần với phân lỏng, nước
Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Về ăn uống
Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ thường mất nước rất nhiều, vì vậy, việc bổ sung nước và chất điện giải là điều đầu tiên ba mẹ cần nghĩ đến khi trẻ bị tiêu chảy. Có thể uống các loại nước và chất điện giải như: oresol, sữa mẹ, sữa công thức,... Đối với trẻ nhỏ còn bú sữa thì nên tăng lượng sữa cũng như số lần bú trong ngày để bé được bù nước và dinh dưỡng. Còn đối với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn đã nấu kỹ, mềm, bổ sung thêm sữa, nước gạo rang,..để đủ chất dinh dưỡng
Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho bé uống quá nhiều nước điện giải khi chưa có sự tư vấn của bác sỹ, đặc biệt là với trẻ đang bú sữa. Vì việc này có thể khiến bé giảm lượng sữa bú dẫn đến việc không cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cơ thể hồi phục.
Ngoài ra, cũng không nên cho bé uống quá nhiều nước trái cây vì trong trái cây có chứa lượng đường nhất định, dễ gây hiện tượng đầy bụng, khó tiêu. Các mẹ có thể pha loãng nước trái cây để tránh làm con khó chịu.
Về điều trị sốt
Đối với một số trẻ có biểu hiện sốt khi bị tiêu chảy, các mẹ cũng có thể uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38 độ C trở lên và không có tiền sử sốt co giật
Đưa trẻ đi bác sỹ
Trẻ dưới 6 tháng tuổi khi bị tiêu chảy cấp cần được khi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán tình trạng bệnh và có cách xử lý kịp thời. Vì lứa tuổi này diễn biến bệnh nhanh, tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn, khó nhận biết hơn
Đối với trẻ lớn hơn, cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất khi có các biểu hiện khác như
Nôn nhiều, dịch nôn có màu xanh lá cây
Phân có lẫn máu
Trẻ mệt mỏi, lừ đừ hoặc ngủ nhiều, li bì, khó đánh thức
Trẻ đau bụng và sốt
Tiêu chảy trên 7 ngày
Các cách đề phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ
Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
Khi trẻ đến thời kỳ ăn dặm, thức ăn cần đảm bảo dinh dưỡng với lượng ăn phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh
Tiêm phòng, uống rotavirus đầy đủ
Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thức ăn, cũng như trước và sau khi thay tã cho trẻ
Hy vọng các mẹ đã có thêm các thông tin hữu ích liên quan đến bệnh tiêu chảy cũng như cách phòng tránh và điều trị khi trẻ bị mắc bệnh.